Ba, liệu có quá muộn cho một lời xin lỗi?
Posted at 27/09/2015
176 Views
( - Tham gia viết bài cho tập truyện "Tháng năm không ở lại")
"Dòng chảy của thời gian bao giờ cũng khắc nghiệt và tiềm ẩn đầy nỗi đau đớn dằn xé đến tận tâm can. Một đời người ngắn ngủi, chớp mắt chỉ là phù du..."
***
1. Hạnh phúc – Hư danh – Sự kiêu ngạo.
Tôi là con út trong nhà, trên còn có một chị gái nữa. Trước khi xảy ra chuyện, gia đình tôi khá hạnh phúc và đầm ấm. Có thể nói rằng, gia đình tôi khá dư dả, chẳng thiếu thốn bất cứ thứ gì. Ba tôi là Trưởng phòng kinh doanh của một công ty sản xuất xi măng cát sạn gì đấy, má tôi chỉ là một người phụ nữ mềm yếu, ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình hầu như đều do một tay ba lo liệu và quán xuyến.
Vì là con trai duy nhất trong dòng họ vốn độc đinh nhiều đời, nên tôi nhận được hầu hết mọi yêu thương và nuông chiều từ mọi phía, từ cô dì chú bác, từ ngoại nội rồi tới tận mấy nhân viên cấp dưới của ba. Ba mẹ và chị gái chiều tôi hết mực, cho dù tôi có phạm phải sai lầm gì đi nữa, họ cũng chẳng dám nặng nhẹ lấy một lời, mắt nhắm mắt mở cho qua. Suy cho cùng, dù có quậy phá và hỗn hào đến cỡ nào đi chăng nữa, thành tích học tập trong suốt những năm qua của tôi luôn thuộc top của lớp, của trường. Tôi luôn kiêu ngạo về điều đó, luôn lấy đó làm lợi thế để trở thành Ông trời con trong nhà.
Lòng ham hư vinh không cho phép tôi đứng lùi sau lưng người khác!
Trong trí nhớ của tôi, mỗi bận lễ lạc, Tết đến Xuân về, y như rằng trong nhà chỗ nào cũng nhìn thấy quà cáp tứ phía, thậm chí là phong bì xanh đỏ tím vàng. Dĩ nhiên, chúng không thể ngang nhiên nằm tràn lan trên bàn trà giữa phòng khách, hoặc được dúi thẳng vào tay ba má tôi được. Chúng im lặng và ẩn mình trong những thùng quà, thùng bia, giỏ hoa quả hoặc chỉ đơn giản là một lẵng hoa. Khi ấy tôi vừa tròn mười lăm tuổi, chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cấp ba, đối với những sự việc cứ lặp đi lặp lại, trở nên rất đỗi bình thường ấy, tôi đã quá quen mắt và coi như đó là chuyện hiển nhiên rồi.
Năm tôi đỗ vào trường cấp ba của thành phố, ba má tôi vô cùng hãnh diện, quyết phải tổ chức một buổi tiệc chúc mừng thật lớn, thật hoành tráng để khoe với tất cả họ hàng, tất cả mọi người về đứa con trai tuyệt vời của họ. Đương nhiên, một đứa từ nhỏ đến lớn đều sống trong những lời tung hô chúc tụng của mọi người xung quanh như tôi, điều đó hiển nhiên phải được thực hiện, và đó còn là nghĩa vụ của ba má dành cho công sức khổ luyện suốt mấy tháng qua của tôi.
"Thịnh, con muốn ba tặng quà gì cho con nào?" – Ba nhìn tôi với ánh mắt đầy hãnh diện, rực sáng một niềm tự hào không hề giấu diếm.
Nằm yên lặng trên giường, chân gác lên chiếc bàn vi tính trước mặt, tôi suy nghĩ thật kĩ về lời đề nghị của ba. Thứ gì mà tôi còn chưa có nhỉ? Nhìn quanh quất toàn căn phòng, hầu như chẳng thiếu cái gì cả... Đột nhiên, tôi nghĩ ngay đến một thứ tuyệt vời khác!
"Ba, mua cho con một chiếc xe máy đi!" – Tôi bật dậy.
"Gì? Con đã đủ tuổi điều khiển xe máy đâu?" – Ba phản đối ngay tắp lự.
"Nhưng con muốn!" – Tôi xụ mặt xuống, cau có nhìn ba đầy bất mãn, " Nếu ba không mua thì thôi, tôi tự tìm cách đến trường!"
"Con..." – Ba uất nghẹn nhìn tôi, những lời sau cùng bị nghẹn trong cuống họng.
Nhưng chỉ một lát sau, tôi nghe tiếng thở dài thật khẽ của ba.
"Được rồi, nhưng phải hứa với ba, không được gây chuyện gì quá đáng, nhất là, không được tụ tập đua xe! Nếu không, ba cũng không thể giải quyết giúp con đâu!"
Tôi ngẩng đầu nhìn trần nhà, miệng khe khẽ huýt sáo một điệu nhạc quen thuộc...
"Thank daddy!"
2. Biến cố - Bất hạnh.
Tôi đã từng nghĩ rằng, cuộc sống của tôi sau này vẫn cứ mãi êm đẹp như vậy mà trôi qua. Vật chất – ba lo. Gây chuyện – ba giải quyết. Tương lai – ba ắt có dự liệu. Tôi còn lo lắng làm gì cho mệt?
Chỉ là, người tính không bằng trời tính, đời người bánh sau chần bánh trước, kẻ sau lướt kẻ trước mà qua. Chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời, chẳng ai chỉ mãi cười mà không khóc.
Tôi cứ mãi ngông nghênh kiêu ngạo, nhìn những kẻ đang giang tay đói khổ ngoài kia bằng ánh mắt kỳ thị và đầy khinh miệt. Tôi chê một chiếc áo cũ đã mặc qua dăm ba lần, chê một chiếc quần đã lõi mốt không còn hợp thời trang, chê một món ăn đã ăn đến phát ngán vì sĩ diện, sẵn sàng vứt đi những đồ dùng đã không còn cần thiết...
Giá mà, tôi có thể nhìn thấy tương lai sau này của mình. Giá mà tôi có thể học được cách quý trọng những đồng tiền cha mẹ mình làm ra. Giá mà lòng ham hư vinh và sĩ diện hảo giảm đi một chút thì giờ đây tôi đã không phải hối hận đến dường này...
Biến cố đột ngột kéo đến khiến tôi trở tay không kịp.
Năm học lớp mười hai, khi đang ở trong nhà thằng bạn chí cốt đấu game, tôi nhận được điện thoại của chị hai.
"Thịnh, mau quay về nhà đi... Thịnh..." – giọng chị đứt quãng vì nước mắt khiến tôi nghe không rõ, " Thịnh, về với má nhanh lên... Ba, ba, ba xảy ra chuyện rồi!"
"Cái quái gì thế? Chị nói gì tôi nghe chả hiểu gì cả!" – Chết tiệt, lượng máu trên màn hình bị tụt xuống nghiêm trọng, con quái thú sắp sửa bị giết chết đột nhiên hồi sinh vì cú điện thoại chết tiệt này!
"Em nhanh lên, Thịnh, chị đang ở bệnh viện..."
Tôi sựng lại. Bàn tay đang thao tác cực nhanh trên bàn phím cứng đơ tức khắc.
"Chị đang ở đâu? Chị nói chị đang ở đâu?" – Tôi gần như phải hét lên. Thằng Duy đang nằm bên cạnh ngẩng cao đầu nhìn tôi, nhíu mày đầy khó chịu.
"Ra ngoài nói chuyện đi mày, tao đang nói chuyện với gấu hai tao!"
Tôi giật phăng tai nghe ra khỏi điện thoại, đứng dậy đá ghế bỏ ra ngoài.
"Chị đứng yên ở đó, tôi tới ngay thôi!"
"Không, má ngất xỉu ở nhà rồi, em về nhà ngay đi, giúp chị ngăn mấy người kia đến quấy rối!" – giọng chị khàn đặc, "Ba được đưa vào cấp cứu rồi, có gì em đưa má vào sau, trong này còn có cô ba nữa!"
...
Không lâu sau đó, rốt cuộc tôi cũng biết được điều kinh khủng gì đang xảy ra đối với gia đình mình.
Trong suốt mười năm công tác, bốn năm ngồi trên cương vị Trưởng phòng kinh doanh của tập đoàn sản xuất xi măng – vật liệu xây dựng lớn, mới đây ba tôi bị dính vào đường dây tham ô, nhận hối lộ và trốn thuế. Sự việc đã được điều tra âm thầm trong suốt một năm qua, dưới số chứng cứ và tư liệu nhận hối lộ quá rõ ràng ấy, ba tôi và một số cán bộ cấp cao của công ty không thể không bị truy tố. Chỉ là, sáng hôm ấy, trên đường chạy từ cơ quan về nhà, ba tôi đã gặp phải tai nạn trên đường. Vụ tai nạn ấy gây tổn hại nghiêm trọng đến phần đầu, suốt một năm trời ba phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, não được đưa ra ngoài để nuôi cấy hoàn toàn, sinh mạng đang treo lơ lửng ấy có thể bỏ ba má con tôi ra đi bất cứ lúc nào... Vụ án ấy cũng được thụ lý xử lý về sau, bởi người chấp hành án đang trong trạng thái mất đi ý thức và hôn mê sâu. Gia đình tôi từ trên xuống dưới vốc toàn bộ sức lực và tài lực chạy chữa cho ba, căn nhà khang trang trước kia nhanh chóng bị bán đi. Ngày ấy, tôi trơ mắt đứng nhìn những vật dụng yêu thích thuộc sở hữu của mình trước kia bị người ta mang đi, từng-cái-một. Cảm giác khi ấy hoàn toàn không có chút xót xa, lo lắng, nuối tiếc...