Duck hunt

Tiếng đàn núi

Posted at 27/09/2015

189 Views


( - Tham gia viết bài cho tập truyện "Chuyện đời sinh viên")
"Bấy lâu nay ai cũng nghĩ học làm cúng tế còn kiếm được miếng ăn, ngụm uống chứ học chữ nhiều thì cũng chỉ tốn công sức mà cái chữ chẳng ăn được. Thì ra mày lại nghĩ khác, vậy là tao hiểu rồi. Thế thì mày cứ học đến già kệ mày vậy...".
***
Trên chuyến xe về quê, các bạn trêu nửa đùa nửa thật với Bàn Minh: " - Đến nhà bác bọn em không biết tiếng dân tộc bác phải làm phiên dịch viên cho bọn em đấy nha!"
- Tất nhiên rồi, không phải tao thì còn ai nữa.
Bàn Minh trả lời xong mấy bạn lại trêu thêm vài câu tục bằng tiếng dân tộc mà họ học được ở đâu đó nhưng chẳng rõ ngữ nghĩa ra sao rồi lại cười ầm lên, thấy nét mặt Bàn Minh nghiêm nghị cố tình bỏ ngoài tai như không nghe được gì chúng lại im đi.
 

Chặng đường từ Thái Nguyên về Cao Bằng hơn hai trăm cây số và phải đi qua thị xã Bắc Kạn, đoạn gần đến thị xã Bắc Kạn có ba khách người Mông hai nam một nữ đang chờ xe, khi anh phụ xe hỏi mấy người về đâu thì một trong hai người nam chỉ trả lời một câu cộc lốc là " Bảo Lạc". Anh phụ xe bảo không có xe về thẳng Bảo Lạc phải đi về thị xã Cao Bằng rồi mới có xe về huyện và anh mời ba người lên xe họ cứ ngơ ngác chần chừ có vẻ là không tin tưởng anh phụ xe hay không hiểu tiếng Phổ Thông thì phải, họ cứ rụt rè nói với nhau thì thào bằng tiếng H'Mông.
Bàn Minh chàng sinh viên được các bạn ở trường gọi vui với cái biệt danh " thằng con núi ", vì điều kiện xa trường lớp nên Minh đi học rất muộn, vì thế tuổi Minh hơn các bạn cùng khóa khá nhiều, những ai chơi thân thường gọi mình bằng bác lúc đầu Minh thấy hơi khó nghe nhưng rồi cũng dần quen. Thấy mấy cô chú người H'Mông chần chừ mấy bạn lại trêu Minh: " Con núi đâu? Đến lượt bác ra tay rồi đấy!"
Minh nghe có vẻ cũng hợp lý vì vào các kì nghỉ hè trước khi được đi học Đại học Minh đã từng đi khá nhiều nơi trong các xã lân cận để đóng mộc thuê kiếm tiền nên được tiếp xúc va chạm với một số thứ tiếng dân tộc khác và cũng bập bẹ được khá nhiều trong đó có tiếng H'Mông. Đúng lúc đó Minh lại đang ngồi gần cửa xe nên không ngần ngại nói vài câu với ba người khách: "- Tì lầu à, tri mùa xê mồ thẳng Bạu Lặc ơ. Ư mồ xê há trà Thị xạ mẹ mồ Bạu Lặc hơ..." ( Anh trai à, không có xe đi thẳng Bảo Lạc đâu, mình đi đi xe này đến thị xã mới đi Bảo Lạc cơ...). Nghe được câu nói của Minh ba người khách vui vẻ lên xe, mọi người trên xe cười ầm lên làm Minh hơi ngài ngại. Vinh béo một trong những người bạn của Minh quê Quảng Ninh nói:
- Bác là người Dao mà nói sao họ hiểu vậy?
- Ừ thì tao biết bập bẹ tý tiếng của họ thôi.
- Kinh. "Khâm phụt" bác rồi đấy, đúng là con núi có khác.
Mấy thằng lại cười vui, câu khâm phụt là cố tình nói lệch để gây hài mà mấy thằng bắt chước theo kiểu của nghệ sĩ hài Hoài Linh trong phim hài. Đường đi không xa lắm nhưng nhiều đèo dốc khó hơn so với vùng đồng , xe vừa đi qua thị xã Bắc Kạn đi qua được vài cua lên chưa hết Đèo Giàng đã có người kêu: "Thôi thôi cứ nhiều con cua núi bò lổm ngổm thế này vừa đi vừa bắt chắc cũng đủ mệt rồi về đến nhà bác chắc chả còn ai đủ sức để cần bác làm phiên dịch viên nữa đâu". Bàn Minh chỉ gật gù cho qua chuyện rồi mãi chiều cũng về đến thị trấn. Quê của Minh đường cấp phối chỉ đến trung tâm xã nên những người có xe máy trong xã chỉ đếm trên đầu ngón tay chứ chưa nói đến từng xóm nhỏ, lúc đường mới đến xã người dân ở bản của Minh hí hửng bàn bạc góp vốn mua một chiếc xe máy khiêng lên bản và góp công sửa đường để chở đồ đi lại phục vụ các đám cưới, đám tang ... trong bản. Chuyện lạ có thật khiến nhiều người cũng phải buồn cười, mới đầu vì lần đầu được nhìn thấy xe nên cứ gặp ai đi chiếc xe chung đó ở đâu thì con trâu Mộng nhà Minh đón húc ở đó, vài lần phải có người bỏ xe chạy lấy người. Xăng dầu có thể đi mua vận chuyển về bản sử dụng được nhưng khi xe hỏng hóc không thể khiêng đi sửa được nên đành phải bó tay.
Bốn người xuống xe khách ở thị trấn rồi gọi xe ôm, các ông xe ôm ai cũng ngán ngẩm đường về xã đấy khó không muốn đi nhưng Minh năn nỉ họ phải đành, mới về đến xã Minh đã nhận được tin không vui là đứa em con gái của dì ruột đã mất tích vài tháng, mọi người đoán là bị lừa đem bán sang Trung Quốc và đã báo Công an nhưng mãi chẳng có tin tức gì. Từ trung tâm xã Minh dẫn các bạn đi bộ về xóm xa năm đến sáu cây số đường mòn, đi được đoạn mệt mọi người lại vặt lá cây ngồi nghỉ giải lao tán gẫu. Vinh béo hỏi:
- Thế cái em gái con dì của bác bị mất tích ấy được bao nhiêu tuổi rồi vậy?
- Khoảng 15 - 16 gì đó, nó học dở cấp 2 bị bố mẹ ép lấy chồng nó không chịu chắc là bỏ nhà đi đâu đó thôi.
- Thế quê bác toàn lấy vợ lấy chồng sớm thế à?
- Ừ thì quê tao lớp già hầu như thất học còn bọn trẻ bây giờ do nhà xa trường nên cũng thường đi học muộn, thời gian lên nương rẫy nhiều hơn là lên lớp nên cũng thường chỉ dừng lại ở cấp 1, 2 rồi lập gia đình làm ăn không thì cũng đi kiếm việc làm thuê linh tinh đầy đứa hư hỏng rồi lấy những ông chồng nghiện ngập đang tuổi ế ngoài thị trấn, thị xã, cũng đầy đứa bị lừa sang Trung Quốc bán. Đa số bọn cùng tuổi tao ở quê này đều con cái hết rồi, chúng nó còn nói với tao là mày đi học nhiều thế không biết chán à. Tao mà đi học xa như mày thì tao bỏ từ lâu rồi, học mãi cũng chẳng đến lượt mình làm quan đâu. Nghe chúng nó nói tao cũng chỉ ừ à cho qua chuyện. Một số người có ý chí hoặc gia đình khấm khá hơn thì học hết cấp hai bố mẹ cho đi học nghề sửa chữa hoặc chạy tiền cho đi học Trung cấp nghề hoặc Cao đẳng xong cũng ít người về quê mà đa số đi lập nghiệp nơi khác, khi kiếm được chỗ sinh nhai rồi họ "bán quê" cho anh em dọn nhà đi biệt xứ, có người đi làm ăn được khấm khá rồi còn coi khinh anh em ở quê nữa...
Kể mà giọng Bàn Minh dần chùng xuống nét mặt buồn hẳn đi. Vinh hỏi tiếp:
- Thế còn bác sau này định tính sao?
- Cũng chẳng biết nữa, tao còn nhớ hồi học Phổ Thông ở Trường Nội trú tỉnh mỗi khi thầy Hiệu trưởng đọc báo cáo kể về thành tích của trường trong các ngày lễ thầy thường kể đến những cựu học sinh trở thành người công dân có ích cho xã hội, trong đó có một anh người dân tộc Mông tên Tu gì đó đã làm chính xóm bản quê mình giàu lên ấy chứ có phải cứ đi đâu xa mới khấm khá được đâu.
- Ừ, cũng phải mà công nhận quê bác địa hình phức tạp nên dân vất vả hơn quê bọn em nhiều, cũng may là trước kia bác được đi học trường Nội trú nhỉ, nếu không chắc anh em mình cũng chẳng quen nhau thế này.
- Thế mới gọi là thằng "con núi" biết sao được. Cũng may là được sự quan tâm của Đảng và Nhà Nước tao mới được đi học trường Nội trú ấy thôi.
Minh vừa dứt lời thì Đại nát quê Bắc Giang xen vào:
- Tiếc quá nhỉ ước gì bọn em đến sớm hơn thì có cơ hội cua em gái con dì của bác...
Đang mệt cộng với cái bản tính thật thà hiền lành và hơi già dặn Bàn Minh quay sang nhìn Đại với ánh mắt chẳng mấy thiện cảm, Đại đang ngường ngượng thì Hùng "ếch" quê Thanh Hóa lên tiếng:
- Mày điên mẹ rồi à, ai cũng nghĩ như mày thì có mà loạn, gái quê mày có khối sao mày không về mà vác đi.
- Thì trêu đùa tý thôi, dân kỹ thuật bọn mình ai chả thô bựa, mày mới là thằng khùng...
Đến lượt Minh phải can thiệp:
- Thôi đi các ông ơi, chuẩn bị đi là vừa còn xa đấy, tý leo dốc có mà há mồm.
Đi được đoạn mấy thằng lại hỏi Bàn Minh còn xa không, câu trả lời lần nào cũng "sắp đến rồi", mãi chẳng thấy đến mấy thằng lại hỏi:
- Từ đây đi Trung Quốc gần lắm à bác mà người ta lừa gái đi bán dễ vậy?
- Nói chung cũng gần trăm cây số nhưng tao ít sang cửa khẩu lắm, mấy bà trong bản thi thoảng rảnh rỗi công việc cũng hay rủ nhau sang vùng biên kiếm việc làm thuê ấy mà.
- Thế sang cửa khẩu có gì hay không?
- Đầy hàng đủ thể loại, đa số là hàng cấm nhưng ở đó bán thoải mái.
- Cụ thể là những cái gì vậy?
- Nhiều lắm, dao kiếm, dùi cui điện, thuốc và sách kích dục...gần Tết thì có nhiều pháo nói chung là nhiều...
Lại đến lượt Đại nát lên tiếng:
- Đi tán gái mà làm thế nào cho nó uống được thuốc kích dục thì sướng nhỉ.
Hùng ếch lại ngắt:
- Bó tay chấm cơm. Mày chỉ có thế không khá hơn được à. Mà bác Minh này, pháo ở đó chắc rẻ đấy nhỉ, lúc nào bác kiếm được để phần em với để lúc Tết đốt tý chơi.
- Nguy hiểm lắm mày ơi có thằng em cùng trường mình cũng quê Cao Bằng, nó bỏ quên vài viên trong cốp xe máy từ lúc Tết, vừa rồi xuống Thái đi cắt tóc không đội mũ bảo hiểm bị Công an giao thông kiểm tra phát hiện họ còn quy về tội tàng trữ chất nổ, nó có người quen xin xỏ hộ nhưng về sau vẫn bị phạt vài triệu ấy đùa.
Những câu chuyện của bốn chàng sinh viên mỗi người một quê cứ thế rồi đi qua những lối mòn ngoằn ngoèo vắt qua đèo rồi men theo những đám nương ngô dưới chân núi đi vào thung lũng, mệt rồi họ cũng nói ít dần đi mãi gần tối cũng đến bản, bản của Bàn Minh chỉ có vài nóc nhà chênh vênh thưa thớt. Đại "nát" thốt lên:
- Uí, ít nhà thế thôi à, đi làm ruộng có xa không bác?
- Thế thôi, mỗi nhóm có vài nhà, nhà nào xa hơn thì nghe được tiếng quát trâu bò, xa hơn nữa thì đi chừng hai điếu, ba điếu thuốc tàn mới đến, còn xa hơn nữa thì chỉ nghe được tiếng vọng của gà gáy, vài nhóm thế này gộp lại thì làm một xóm. Ruộng thì nhà có nhà không, nhà nào có cũng chỉ chút ít ruộng bậc thang gần khe suối, có nhà ruộng ở xa phải đi hàng tiếng đồng hồ xa nhà nên thiếu phân bón, chim chóc phá nhiều nên năng suất chẳng ăn thua, chủ yếu ăn ngô thôi mà.
- Khiếp, thế những lúc họp hành gì thì ông trưởng xóm phải đi từng nhà thông báo hay sao?
- Trước đây thì dùng gốc tre đẽo mõ hong trên gác bếp để sẵn khi nào có việc thì mang ra gõ báo hiệu cho mọi người đến họp. Bây giờ các phương tiện thông tin hiện đại hơn thì có thể dùng điện thoại di động nhưng ở đây sóng yếu với lại điều kiện khó khăn cũng ít người dùng. Bọn trẻ thích dùng cứ tuần chạy vài ba lần xuống xã nạp pin lại còn bị bố mẹ mắng suốt ấy chứ.
Đến nhà Bàn Minh đúng như dự định dù mệt lả người Minh vẫn quên hết mệt mỏi để làm phiên dịch viên cho bạn bè và bố mẹ. Sau vài lời giới thiệu làm quen và uống ly nước, Bàn Minh gợi ý cho bố mời các bạn ly rượu. Nâng chén rượu mời ông Sơn nói: "Phun bua ham Mềnh, ham pé xê tài tháo diạo bê lống a. Toóng lang khấu hề, tháo pé nai bê tròng bọ cào ái miền thim lớ..."( Các cháu quý bác, quý Minh mới đến chơi thì tốt rồi. Vùng cao khổ lắm, đến quê bác đây thì đồi núi còn thấp hơn người nữa đó).
Bàn Minh vừa dịch lại câu nói của bố vừa giải thích ý nghĩa cho các bạn biết rồi cùng nâng ly rượu. Sau những giây phút ấy Minh dẫn các bạn ra ngoài dạo chơi ngắm cảnh, trời chiều dần dần buông xuống những con chim rừng đang cất tiếng gọi nhau tìm nơi trú ngụ rồi đâu đó xa xa một số nhà đã ánh lên bếp lửa lập lòe. Ở vùng cao thì tùy từng huyện từng xã cũng có những điểm khác nhau nhưng riêng ở đây thì đa số dân Mông, Dao thường sống ở thung lũng hoặc trên sườn đồi, dưới chân núi vùng sâu vùng xa hơn còn dân Tày Nùng thì sống ở những nơi thuận tiện hơn chút. Nơi này cũng chả phải quê gốc của Bàn Minh, Minh sinh ra ở một xã lân cận, Minh còn nhớ hồi bé nhà mình ở dưới chân núi, bố mẹ thường dậy sớm nấu cháo ngô để nguội rồi nắm lên nương từ sớm, để Minh cùng các em ở nhà với bà nội, bà thường bận việc trong nhà nên chốt cửa lại không cho Minh dẫn các em ra ngoài chơi, mỗi khi bà nhìn thấy các cháu ra khỏi trước cửa nhà chơi bà lại vội chạy ra bế vào nhà chốt cửa lại, có những lần mấy anh chị em không chịu lại khóc ré lên Minh cũng không hiểu sao bà nội làm thế nữa. Mãi sau này dần dần lớn lên Minh mới hiểu bà sợ mấy anh em ngã xuống vực sâu trước cửa nhà. Hồi đó quanh năm ngô không đủ ăn bố Minh phải đi mót từng đồng một để ra chợ mua gạo về nấu cháo pha với củ mài, Minh còn nhớ những bát cháo gạo để nguội mà bố mẹ dành riêng cho mấy anh em sau những bữa ăn chính, khi cháo nguội đông lại mẹ dùng thìa chọc xuống chính giữa bát cháo chia sẻ ra từng phần cho mấy anh em cầm trên tay chấm với muối rang ăn rất ngon. Mãi đến năm lên chín tuổi bố mẹ mới đến xã này mua lại tài sản của một gia đình người Mông di cư đi Đắc Lắc mà những gia đình hồi đó đi vào Lâm Đồng hay Đắc Lắc thì người ở quê đều nói là đi Nam.
Hồi mới chuyển đến ở lại ngôi nhà cũ rách nát của người ta ngoài đồi có vài đám ruộng bậc thang còn nương đa số ở thung lũng phải gánh phân đi xa hàng tiếng đồng hồ mới tới nơi. Thung lũng hồi đó còn khá hoang vu, dân vùng này đồn rằng chỉ vào trong đó làm nương còn thấy ghê sợ vì nghe nói trong thung đã từng có người ở nhưng toàn mắc bệnh tâm thần rồi đi nhảy vực hoặc treo cổ tự tử...