Polly po-cket

Giếng cạn

Posted at 27/09/2015

243 Views



"Bống em ơi! Em ở nhà chăm nom anh Lăng thay chị nhé. Lăng con trai tồ lắm, ăn uống, ngủ nghê thất thường. Lăng vất vả vì chị nhiều rồi.

Em bảo Lăng đừng gửi tiền cho chị nữa nhé. Dặn Lăng làm được bao nhiêu gửi tiết kiệm, hay cho vay lãi, biết đâu sau này chị sẽ về quê."
Sao lại biết đâu?
***
Nhà tôi, nhà Bống ở cùng thôn. Bống chị, Bống em là cách gọi nhà quê. Tên khai sinh, Bống chị là Bích, Bống em là Bình.
Thôn Cự Phú. Tên giàu có no nê, nhưng hữu danh vô thực. Nghèo kiết xác, đói quanh năm. Chỉ được cái tấm lòng thanh sạch. Thanh sạch là giá trị ổn định, quý hiếm, nhưng không bán được.

Cả thôn chỉ tôi và Bống chị học phổ thông trường huyện. Niềm vui chẳng tới. Kiêu hãnh tự hào cũng không. Người thôn nghĩ (cái sự nghĩ đã vào máu): Đi học nhiều chỉ tổ tốn cơm. Theo đít trâu đến mùa còn được thêm mấy đấu thóc. Chỉ hạng nhát làm mới trốn việc nhà đi học. Họ không biết việc học cũng nhọc chẳng kém thợ thùng đào thùng đấu.
"Ai ơi chớ lấy học trò.
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm"
Bọn thất học thôn tôi thường ca như vậy. Thất học nhưng thuộc rất nhiều thơ ca, hò vè mới lạ chứ. Cũng là ghen ăn ghét ở, chúng sợ tôi đi học làm ông to bà lớn về đè đầu cưỡi cổ chúng.
Cha tôi bỏ ngoài tai. "Tao suốt đời nhòm đít trâu, vác đất rồi. Đến đời mày, Lăng ạ (tên tôi là Lăng) dứt khoát phải học mới thành người. Nhưng không được thơ thẩn theo thầy Đô đâu nhá."
Thầy Đô là giáo viên dạy văn cấp 3 đã nghỉ hưu. Thầy làm rể làng cũng vì mến con gái Cự Phú thuộc nhiều thơ ca, hò vè. Thầy có chiếc xe đạp Thống Nhất khung gióng ngang tróc sơn.
Thầy Đô làm thơ gửi tạp chí văn nghệ tỉnh, thỉnh thoảng lên bưu điện lĩnh nhuận bút. Giữa đường gặp, thầy dừng lại năn nỉ Bống chị lên xe đạp, thầy chở. Thầy bảo: Người ta là hoa đất. Con gái là hương của hoa đất, là cái đẹp. Cái đẹp cứu rỗi con người, phải nâng niu, chăm sóc.
Bống chị từ chối: "Em xấu, em không đáng được nâng niu. Em quen đi bộ rồi thầy ạ". Thầy buồn, lên xe đi tiếp, miệng lại lẩm bẩm đọc thơ. Thầy Đô là nhà thơ tỉnh, tỉnh thì phải lớn hơn huyện.
Thỉnh thoảng thầy đến trường tôi nói chuyện thơ. Thầy bảo, nhịn ăn thầy nhịn được một tuần, nhịn đọc thơ nửa ngày không chịu nổi. Nói chuyện thơ ở trường tôi, thầy Đô bảo, thầy thích nhất những đoạn thơ viết các cô gái đi tỉnh về.
Thầy cao hứng ngâm thơ Nguyễn Bính:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Thầy đọc thơ Phạm Công Trứ như diễn trên sân khấu:
Tuổi thơ chân đất, đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên...
Em ra thành phố dần quên một thời...
Em tôi áo chẽn em tôi quần bò.
Thầy đọc. Thầy bình. Thầy nức nở khen. Giọng thầy trầm ấm mà buồn buồn. Như thể mất mát. Như là đổ vỡ. Học sinh khối 12 chúng tôi ngồi im phăng phắc. Sau này, bọn con gái lớp tôi có đứa nào khốn nạn thế không nhỉ?

Cha muốn tôi sau này được làm bàn giấy. Theo cách nghĩ của ông, làm bàn giấy là: Cộng cộng trừ trừ, nhân nhân chia chia. Ghi ghi chép chép. Chân không lấm, tay không bùn. Mưa chưa đến mặt, nắng không đến đầu. Ví như tay kế toán ủy ban xã. Ví như ông giáo làng chẳng hạn. Mong ước cha tôi quá vĩ đại, có nguy cơ không thành sự thực.
Cha tôi là thợ thùng đào thùng đấu, chuyên vượt đất san nền thuê lấy tiền đóng học cho con trai. Mỗi hòn đất giá ngang một con chữ tôi học. Một trăm hòn đất - một trăm con chữ. Một ngàn hòn đất - một ngàn con chữ... Cha tôi bảo: "Có dễ tao phải vác một vạn hòn đất thì mày mới nên người". Xót xa quá. Thương cha. Tôi ứa nước mắt. Bao giờ tôi mới có một vạn chữ trong đầu?
Đi học nhọc nhằn. Vác đất vượt nền cực thân. So sánh, có lẽ ngang nhau. Thầy Đô nhà thơ truyền lửa cả làng cả huyện đọc thơ, làm thơ. Thầy chủ nhiệm lớp tôi thì động viên: "Các em là tương lai đất nước, là mùa xuân dân tộc. Các em phải quyết tâm học hết phổ thông...