Disneyland 1972 Love the old s

Đó chỉ là tên giống truyện

Posted at 27/09/2015

180 Views


( - Tham gia viết bài cho tập truyện "Rồi sẽ qua hết, phải không?")
Em biết không? Người ta bảo chị tên Vân mà đẹp người nữa nên sẽ sướng lắm. Nhưng chị lại khổ sở sống dở chết dở như thế này đây. Ông trời thật quá bất công...
***
Chị Bông xuất hiện...
Dưới cái nắng hè gay gắt của vùng đất Quảng Nam quê tôi, mọi người ai cũng nheo nheo đôi mắt mỗi khi ra đồng nhưng sự cần cù, chịu khó của người dân luôn tiếp thêm cho tôi niềm tin yêu cuộc sống và quê hương. Trên chiếc xe bon bon mỗi ngày đến công sở, tôi chợt nhớ về một ký ức...còn nguyên trong ký ức.
Lần nào nghĩ về chị, người đàn bà bạc mệnh, tôi cứ băn khoăn về mấy câu thơ: "Vân xem trang trọng khác vời - Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nan - Hoa cười ngọc thốt đoan trang - Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da".

Ngày xưa, tôi rất say mê vẻ đẹp của Thúy Vân trong tác phẩm kiệt xuất Truyện Kiều của Nguyễn Du qua giọng giảng truyền cảm của cô giáo. Thúy Vân không như Thúy Kiều, vẻ đẹp của cô thùy mị chứ không sắc sảo. Cô cũng không khiến cho trời đất phải nỗi cơn ganh ghét. Cụ Nguyễn đã dành những động từ nhẹ nhàng như: thua, nhường để chỉ vẻ đẹp của Thúy Vân như muốn nhắn nhủ cho ta biết cuộc đời của cô sẽ hạnh phúc và êm đềm chứ không vùi dập, lênh đênh như Thúy Kiều. Từ ngày có Truyện Kiều, người đời thường quan niệm hễ ai mang tên Kiều đều phải khốn khổ, còn Vân là hạnh phúc.
Mảnh đất Quảng Nam quê tôi ngày ấy sao yên bình và êm đềm đến lạ lùng, cuộc sống người dân tuy vất vả nhưng không khí trong lành, mát mẻ, người người vui tươi, phấn khởi làm ăn, xây dựng.Mỗi mùa trăng rằm lại đến, bọn trẻ con trong xóm thường tụ tập lại trước sân nhà tôi. Bọn chúng rất thích nghe bà Nội tôi ngâm nga Truyện Kiều và kể những câu chuyện cổ tích đầy lí thú. Miệng nhai trầu đỏ thắm, bà cười bảo:
- Mấy bây sau này lớn lên có dựng vợ gả chồng thì chớ đặt tên cho con là Kiều đấy nhé! Đời Thúy Kiều trôi nổi thanh lâu hai lượt thanh y hai lần. Khổ lắm con à!
Bà thuộc nhiều ca dao, tục ngữ và cả truyện thơ nữa nhưng bà thích nhất vẫn là Truyện Kiều. Bà thường hay trầm trồ:
- Cụ Nguyễn nhà ta tài ba xuất chúng lắm!
Có khi, tôi thấy bà xem quẻ Kiều. Trong nhà tôi có chuyện gì xảy ra, bà cũng bốc xăm quẻ từ truyện Kiều. Mà bà nói rất đúng, tôi nghe mẹ bảo vậy chứ cũng không biết có đúng không? Bởi vì tôi tên Kiều!. Bà không bao giờ gọi tên thật của tôi cả. Bà bảo mẹ gọi tôi là Cái gái!. Thế là từ nhỏ đến giờ tôi đổi tên là Cái gái nếu là ở nhà, còn đi học thì gọi là Gái. Tôi thấy thật rắc rối quá, nhiều lúc nhỏng nhẻo nói bà và mẹ cứ mê tín hoài!.
Năm tháng trôi qua, tôi không còn được nghe bà ngâm nga Truyện Kiều nữa. Bà đã ra đi vào cõi vĩnh hằng để lại trong tôi bao nhớ thương về một ký ức tuổi thơ được sống bên bà. Khi đã là cô nàng sinh viên choi choi năm thứ nhất của trường Đại học Sư phạm Ngữ Văn, tôi vẫn cứ luôn băn khoăn tự hỏi: "Không biết có đúng những ai tên Vân là sướng không nhỉ?"
Nhớ lại ngày thơ ấu, còn là cô bé con hay cởi truồng tắm mưa, ngồi trên lưng trâu, tắm suối, cắt cỏ, tôi đã rất thân với chị. Mọi người hay gọi chị là bé Bông vì chị đẹp như một bông hoa của núi rừng quê tôi. Từ ngày gia đình chị chuyển từ nơi khác đến, xóm tôi trở nên vui hơn.
Khi tôi học lớp 6 thì chị đã là nữ sinh lớp 12. Khuôn mặt trăng rằm lại thêm hai má lúm đồng tiền khiến ai cũng muốn nhìn chị. Chị cũng là con nhà làm ruộng như bao gia đình trong xóm tôi, cũng chăn trâu, cắt cỏ, dãi nắng dầm mưa, vậy mà chị vẫn sở hữu một làn dan trắng như bông. Mái tóc dài, đen mượt, hai mắt bồ câu sáng lúng liếng. Đặc biệt, dù một buổi đến trường, một buổi phải chăn trâu, cắt cỏ phụ gia đình nhưng lúc nào chị cũng cười đùa vui vẻ chưa bao giờ tôi thấy chị buồn điều gì. Đôi môi son, dáng người mảnh mai của chị đã khiến bao chàng trai trong xóm tôi phải ngây ngất. Chị đẹp như một bông hoa mà thiên nhiên ban tặng cho cái xóm nghèo quê tôi.
Bọn con trai thi nhau sắp hàng có khi từ ban ngày đến cả tối ở nhà chị. Rồi bọn chúng còn đánh nhau, chém nhau rất hung dữ. Nhiều lần lũ con nít chúng tôi đi rình xem bọn chúng bị ba chị lấy chuỗi rượt cả lũ. Học xong 12, chị không thi vào Đại học mà đi học nghề hớt tóc. Quán tóc có chị, đông như hội. Ngày nào cũng có cả chục anh thanh niên đến hớt. Có anh đến hôm nay rồi mai lại đến nữa. Mỗi khi đi ngang qua quán tóc chị, chúng tôi thường đọc thật to: Bé Bông hớt tóc khách đông/ Tóc hớt đi rồi lại trông tóc mọc/ Mọc rồi lại đến quán Bông/ Vừa hớt vừa ngắm em bông hồng hồng.
Thằng Hiền trong nhóm bọn tôi là chúa giỏi Văn nên nó hay bịa ba cái thơ, hò, vè để chọc người khác. Nó tự đắc:
- Bửa nào thi học kỳ xong, tao sẽ làm nguyên một bài thơ dài về chị bé Bông hay không kém gì cụ Nguyễn viết Truyện Kiều cho tụi bây ngâm.
Riêng tôi chẳng thấy nó giỏi tí nào cả. Thơ gì mà nghe dở ẹc, vậy mà cũng đòi hơn cụ Nguyễn - bậc danh nhân của dân tộc ta chứ.
Chị Bông lấy chồng...hụt
Một buổi trưa hè gay gắt, chúng tôi đi học về, mệt lã, dừng lại ngồi dưới gốc cây đa đầu làng nghỉ mát, thằng Hùng bỗng từ đầu đường chạy tới :
- Ê tụi bây. Nghe tin gì chưa? Chị bé Bông sắp có chồng rồi. Chị Bông lấy anh Bình con ông trưởng thôn đó.
Thế là, tối đó, chúng tôi lên kế hoạch đi rình hai người họ nói chuyện yêu đương. Thường thì những cặp yêu nhau ở xóm tôi hay ra ngồi ở gốc cây đa bên giếng làng để tình tang tính.
- Bông có thương anh không?
Tôi thấy khuôn mặt tròn vành vạnh của chị Bông mờ mờ dưới ánh trăng, chị có vẻ e thẹn.
- Anh đã hỏi nhiều rồi mà !
- Ừ, thì...anh muốn hỏi nữa, hỏi một ngàn lần cũng muốn hỏi nữa.
- Anh chọc em hoài...!
Lúc đầu, chúng tôi còn cười hi hí sau lại càng to hơn làm hai người họ phát hiện, thẹn muốn đỏ mặt. Anh Bình xách đá ném bọn tôi chạy tán loạn. Còn chị Bông thì đứng mỉm cười.
Nghe tin chị Bông lấy chồng nhiều chàng trai trong xóm tôi đã rất buồn, có người bỏ đi tu, có người thì ở vậy đợi chị, nhiều anh thất tình vô duyên cớ. Trong số đó gã Tâm người được ba chị Bông cưu mang từ nhỏ là buồn nhất. Mọi người ai cũng biết gã yêu chị lắm. Từ nhỏ, gia đình gã vì quá nghèo khổ, anh em đông nên không nuôi nỗi gã. Ba chị Bông vì thương người nên đã đem gã về nuôi. Ông cụ rất thương gã vì gã hiền lành, chịu thương chịu khó. Khi gà chưa gáy gã đã thức dậy cho cá dưới ao ăn, nấu cám cho lợn, quét lá cây ngoài vườn,...gã làm như một con trâu cho nhà chị. Nhà chị ai cũng thương gã nhưng duy chị Bông thì ghét lắm. Gã không chịu lấy vợ, dù ba chị đã nhiều lần tạo điều kiện và xem gã như con trong nhà. Gã bảo:
- Con chỉ yêu có mỗi em Bông thôi. Con sẽ ở vậy đợi khi nào em lấy chồng con mới cưới vợ.
Mỗi lần đi củi trên rừng xa, mấy ngày không gặp chị là gã nhớ đến cồn cào, gã quên ăn, quên ngủ vì chị. Gã bảo với mẹ chị:
- Con chỉ cần được nhìn thấy em Bông là sung sướng lắm rồi mẹ ạ!
Rồi ngày đám cưới chị cũng đến. Nhưng tiệc cưới của chị lại biến thành đám tang thương đau đớn nhất trong đời chị. Anh trai chị đã bị anh trai anh Bình đâm chết do một sự hiểu lầm. Từ đó, hôn lễ bị hủy bỏ, chị đau khổ trước nỗi đau quá lớn này. Chị không còn như ngày xưa nói cười nữa mà trở nên lặng lẽ...