Old school Easter eggs.

Chiếc vé cuối cùng

Posted at 27/09/2015

162 Views


"Nếu là cháu, cháu sẽ về hỏi mẹ". "Hỏi mẹ?". "Vâng! Lúc nào mẹ cháu cũng nói đúng! Chú có muốn hỏi mẹ cháu không?". "Hỏi mẹ cháu à?" ­ Anh hơi buồn cười nhìn thằng bé, định bụng đùa trêu nó để giết thời giờ. Nhưng mắt nó đã sáng rực lên, đôi mắt tràn đầy màu nắng sớm: "Vâng, nếu đang ở nhà thì chú cũng hỏi mẹ chú chứ?" Anh bật cười lớn và theo thằng bé, hệt như người ta đi tìm một câu hỏi hơn là một tiếng trả lời.
Anh đâu cần câu trả lời. Anh chỉ cần một chút dũng cảm, một tình yêu thương để trở về. Bắc Kạn! Bắc Kạn là tình yêu mãi mãi. Anh tin thế vì anh tin những người hạnh phúc nhất trên mặt đất luôn là những người còn có mẹ.
Thằng bé dẫn anh về khu ổ chuột giữa xóm liều với một niềm tin tuyệt đối, rằng mẹ sẽ giải quyết được mọi chuyện. Nhà nó tồi tàn nhưng sạch sẽ. Người mẹ còn trẻ nhưng khắc khổ và tàn tạ đang nằm ho sù sụ trên giường. Thằng bé lấy những viên Ampicilin cuối cùng cho mẹ: "Mẹ cố uống đi, mai con mua thuốc khác. Ampi chẳng ăn thua gì". Mẹ nó đưa đôi mắt lờ đờ nhìn nó, như thầm cảm ơn thái độ hiếu đễ ấy. "Chú ngồi tạm vậy. Ghế này cháu đóng đấy, xấu xí nhưng mà chắc, chú công nhận thế không?" Anh đưa mắt nhìn xung quanh nhà khi thằng bé đi rót nước. Ngôi nhà có thể ụp xuống bất cứ khi nào và trên bức tường duy nhất treo một cây đàn nguyệt. Đàn nguyệt khác đàn tính của mẹ trong ngày hội hát then. Đàn nguyệt cũng bày tỏ tình cảm bằng những cung bậc khác.
"Ai thế con?" Người mẹ thều thào khi vừa dứt cơn ho. Thằng bé tần ngân giây lát, rồi bảo: "Chú ấy lỡ chuyến xe và chẳng biết phải làm gì". "Ấy chết, sao con dại thế, sao lại cho người lạ vào nhà?" Anh lặng người đến nghẹt thở. Sao chẳng khi nào anh chịu nghĩ tới điều này nhỉ? Nhọc nhằn lắm anh mới nói thành câu: "Chị yên tâm, tôi đã giết người và phải trả giá tù tới mười năm. Bây giờ tôi cần làm người lương thiện. Người lương thiện, chị biết đấy, không thể làm điều ác cho ai". Người mẹ lại ho từng cơn không dứt, mắt cứ như lồi mãi ra. "Này cháu, có khi phải đưa mẹ đi bệnh viện thôi. Mẹ cháu không phải cảm thường đâu". "Tôi không sao đâu, anh. Cháu nó con dại, đâu biết gì. Mà anh trông đấy, bây giờ bệnh viện..." . "Tôi hiểu. Tôi sẽ đứa chị đi. Tôi có đủ tiền". Thằng bé ngơ ngác và sung sướng. Nó hỏi lại: "Chú chắc chứ?". "Ừ chắc!"
Anh đứa mẹ nó đi bệnh viện, nhưng nó không chịu ở nhà. "Cháu lo cho mẹ lắm, dù sao chú cũng là người ngoài" – nó bảo. "Người ngoài!". Câu nói giản đơn đã ném anh văng ra khỏi mẹ con nó rất dễ dàng. Anh chỉ là người qua đường thôi. Anh đành dìu mẹ nó đi. Bệnh viện chật ních người. Hai tiếng sau thì thằng bé òa khóc. Mẹ nó bị lao rồi. Bác sĩ nói bệnh lây, cần chú ý khi tiếp xúc. Nó nhào vào lòng mẹ thổn thức. Mẹ nó được chuyển sang khoa lây. Nhưng giường đã hết rồi, đành phải trải chiếu xuống nền gạch. Anh có cảm giác như mình đã gắn bó với họ từ lâu lắm, quên phắt chuyến xe của ngày mai. Anh đi thằng bé sẽ làm gì cho mẹ? Nó chẳng thể làm gì cả. Nó vẫn chỉ là một thằng bé giàu tình thương yêu.
Đêm. Anh nằm cạnh thằng bé trên manh chiếu ở hành lang bệnh viện nồng nặc mùi ê te mà tự dưng thấy lòng yên ổn. Ôi cảm giác yên ổn lâu lắm rồi mới chịu trở về cũng anh trong giấc ngủ muộn khuya. Tiếng thằng bé lảm nhảm nói mê nghe thật quen thuộc, giống như những lúc xưa anh vẫn thường bị mẹ mắng: "Ngày chạy nhảy cho cố vào để đến tối mê sảng, hét váng cả nhà". Anh chợt nhận ra một bóng áo trắng đi quanh. Nó đậu lại ở cạnh đồng túi và lần các nút khóa. Bác sĩ, y tá, hay là ma? – Anh tự hỏi. Không phải! Anh lao ra túm chặt tay nó và tông thẳng một quả đấm: "Thằng lưu manh". Thằng bé cũng vùng tỉnh dậy: "Ơ, anh Mạnh, sao anh lại..." Đó là một đứa lang thang vạ vật xóm liều, một đứa cùng chung số phận hẩm hiu với nó. Thằng trộm cúi đầu: "Tao không biết là của nhà mày". Rồi nó lủi thủi xuôi cầu thang, bóng chúi theo vệt sáng của ngọn đèn trần. Anh ôm thằng bé vào lòng: "Cuộc sống phức tạp thế đấy, chú bé ạ". Anh nằm xuống nhưng không ngủ được. Đến những kẻ bất lương, tù tội cũng đủ các hạng người. Trắng đen tù mù, làm sao chú bé có thể đi đúng đường nếu không có người chỉ lối? Cũng như anh, anh đã phải vứt bỏ cả thời tuổi trẻ vì những ảo ảnh hoang đường. Chú bé lún phún những chiếc lông tơ trên má, chú có hiểu những gì anh nghĩ không?
Anh cũng không nhớ mình đã ở đây cùng mẹ con thằng bé bao lâu, chỉ biết khi mẹ nó dứt cơn bạo bệnh về điều trị tại nhà thì thằng bé đã quấn anh lắm. Người mẹ nhìn anh bối rối: "Rồi tôi biết lấy gì để tạ ơn anh cơ chứ". "Nếu tôi cần sự sòng phẳng đến thế thì tôi có cần phải đưa chị đi bệnh viện không? Đừng khổ tâm vì điều đó. Tôi cho thằng bé đấy, bởi tôi tiêu tốn tuổi thơ mình quá nhiều". Thằng bé nhìn anh, giọng đầy nuối tiếc: "Thế chú đi thật à?" "Ừ, chú về với mẹ". "Chú chắc chứ?". "Ừ, chắc". Thằng bé mở to mắt nhìn anh, chực khóc. Cái gì đến với nó cũng không chắc chắn, bấp bênh.
Chia tay bịn rịn. Anh ra tới bến thì người chen người đã đông lắm. Thằng bé lại lẻn vào, nhoài người mua cho kỳ được tấm vé. Tấm vé nhỏ bé, giá ba mươi ngàn đồng, nhưng anh phải tích cóp từng đồng vốn kỷ niệm để dám mua nó trở về. Thằng bé sung sướng bảo: "Chú thấy cháu cừ không, đây là tấm vé cuối cùng đấy. Bác bán vé bảo nhường cho cháu, chắc bác ấy nghĩ cháu về quê với mẹ". Anh nắm tay nó ra xe. Chuyến xe ngày thường mà vẫn đông khách. Run run anh bước lên bậc cửa với chiếc vé cuối cùng: "Chú sẽ quay lại, nhóc ạ. Chắc chắn thế, chú hứa, có thể là rất gần thôi".
Anh nhìn mẹ con thằng bé hút dần theo cửa kính xe, lòng rộn lên những yêu thương kỳ lạ, bồi hồi như thời anh mười tám. Chiếc xe lao đi, mang đứa trẻ tha hương trở về với mẹ. Nơi ấy là thơ ấu của đời anh.
Hà Nội, 07/06/2000Dương Bình Nguyên






....