80s toys - Atari. I still have

Rượt đuổi thời đại

Posted at 28/09/2015

175 Views

Tuấn cam chịu và dễ bằng lòng với những gì Tuấn có. Khi yêu em, Tuấn không nghĩ đến bất cứ một cô gái nào, không đi đâu nếu không có em. Tối tối, Tuấn lên nhà em, ngồi chơi cờ với bố em, đọc thơ cho mẹ em nghe, dạy thằng Tí học hoặc chơi điện tử toàn thua với nó. Tuấn là biểu tượng của sự bình yên và bền vững. Mặc em kêu gào: "Đi chơi với bạn bè đi, đàn ông con trai phải đi giao thiệp chứ" Nhưng Tuấn đi chơi một buổi rồi về nhăn nhó: "Đi với tụi nó chán lắm. Tụi nó toàn nói chuyện tiền bạc và công việc thôi. Đau đầu lắm". Và anh xuất hiện.
Anh ào vào đời em như cơn lốc xoáy. Bốc em lên cao và đưa em rời xa khỏi luỹ tre làng của tình yêu thời sinh viên với Tuấn, của những tối ngồi ven hồ nhìn trăng lên, nghe Tuấn đọc thơ và bàn luận về những đứa con sau này. Tuấn nói: "Mình sẽ đặt tên con là Hoài An để nó hiểu bố mẹ nó hoài mong sự bình an cho nó". Hoài An. Em đã rơi nước mắt khi Tuấn viết nguyệch ngoạc trên một tấm thiệp rằng: "Hi hi mẹ ơi, bé Hoài An chúc mẹ tuổi 22 mạnh khoẻ, luôn yêu đời và yêu bố Tuấn mãi mãi. Hẹn gặp lại mẹ 3 năm nữa nhé!". Tuấn bảo: "Hai năm nữa, người ta sẽ lấy em về làm vợ và sau đó, em phải sớm cho người ta gặp bé Hoài An bằng xương bằng thịt để người ta yêu thương nó nghe!".
Anh thì khác, anh bảo: "Hôn nhân chỉ là mảnh giấy ghi tên hai người. OK, sẽ cưới nhưng không phải hai năm hay ba năm nữa mà là khi em lên làm trưởng nhóm sáng tạo. Và cưới xong sẽ chơi cho đã đời cái đã. Đừng có con vội trước năm em 30 tuổi. Có con là vướng bận. Là hết son rỗi. Là hết tự do vợ chồng trẻ." Em nghe và thấy sợ thấy mình đầy người mùi sữa, tã lót và tiếng khóc quấy của con cái. Mặc dù em rất thích trẻ con nhưng em lại ngại mình sồ xề.
Anh hướng dẫn em cách hưởng thụ những thành quả từ công việc của em. Một nhân viên P.R kiêm copy-writer. Những quảng cáo trên truyền hình mỗi tối đem đến cho em sự cay cú lẫn thoả mãn. Thoả mãn khi thấy những quảng cáo của đối thủ thua xa mình, cay cú vì bị vuột mất những khách hàng lẽ ra là của mình. Nghề quảng cáo đang lên ở Việt Nam và sự khắc nghiệt của nó đã bắt đầu xuất hiện. Em đã phải chiến đấu ngay trong chính công ty của mình, giữa những P.R và những copy-writer với nhau. Sự khốc liệt của đấu đá và chạy đua đã khiến em lạnh dần với những giá trị mà em đã có suốt thời sinh viên.
Anh bảo: "Phải lựa chọn. Phải hy sinh cái này hay cái kia để có cái còn lại một cách vẹn trọn và tột cùng như nó vốn có. Đừng ngại đạp đổ. Không đạp đổ thì không xây được cái mới nào đâu.".

Em thừa nhận đôi lần nghoảnh lại thấy mình đơn độc. Anh bảo: "Đó là biểu hiện chung của người thành đạt và là người bắt kịp nhịp sống thời đại này. Yên tâm, ai trong cuộc sống tất bật này cũng thế cả thôi. Con người đều cô đơn như nhau".
Không còn thời gian để sến một chút. Cuộc rượt đuổi thời đại như không có điểm cuối mà chỉ có ai hơn ai, chỉ có ai đang chay trước mình và ai đang bám sát sau mình bấm còi inh ỏi đòi vượt.
Em thấy Tuấn bình thản ngồi ở đâu đó một quán cóc ven đường thờ ơ nhìn cuộc sống vút qua và nhặt những đồng bạc lẻ của thiên hạ rơi vãi khi họ phải chạy quá nhanh. Chợt thấy Tuấn cười nụ cười mãn nguyện của một sớm mai tháng 5 lá bay vàng rẻo phố, lá lạo rạo gót chân thành thơ ngọt như ký ức. Tuấn nồng nàn được không? Không! Tuấn chỉ mang mang như thế. Tuấn chỉ dám xưng người ta vì Tuấn bằng tuổi em. Tuấn không dám xưng anh với em vì Tuấn thấy nó kỳ kỳ thế nào ấy.
Hôm rồi, thằng Tí em em kể gặp Tuấn đi dạy cho trẻ em đường phố và còn đến gõ cửa từng nhà xin được đánh giầy cho họ miễn phí hoàn toàn. Em hỏi sao Tuấn lại làm thế, thằng Tí bảo: "Anh ấy muốn tiếp thị cho đội đánh giầy mà anh ấy đào tạo mang tên đội đánh giầy Hoài An. Sau khi đánh giầy cho họ, anh ấy để lại số điện thoại của đội đánh giầy để khi nào cần họ sẽ gọi điện cho đám đó." Đấy cũng là một ý tưởng hay.
Em chỉ nghĩ vậy và rồi lại bị anh cuốn đi bằng những chỉ dẫn tận tình khác về việc làm thế nào để có thể thuyết phục được những khách hàng khó tính. Anh cho em cả một danh sách những sự quan tâm, sở thích và điểm yếu của từng người trong ban lãnh đạo công ty mà em đang chào mời làm quảng cáo. Và công ty đó đã bị em chinh phục sau hai lượt tặng quà và gặp mặt riêng từng người trong ban lãnh đạo. Thậm chí, họ còn cho em biết cách làm sao để họ có thể giải ngân một khối lượng lớn tiền trong ngân sách nhà nước cấp cho họ.
Sau vụ đó, em lên làm trưởng nhóm. Có laptop riêng, điện thoại di động riêng, đi xe taxi công ty trả tiền. Sau vụ đó, em nhận thêm cùng lúc sáu dự án nữa. Lúc chiều nay, em vừa kết thúc dự án thứ ba. Còn ba dự án nữa đang chờ em vào ngày mai. Và sau ba dự án đó sẽ còn ba chục, ba trăm dự án nữa. Một tương lai rộng mở thênh thang nhưng không thấy ai song hành.
Bố mẹ cũng đã ngủ. Thằng Tí mở cửa cho em, mắt nhắm mắt mở: "Em tưởng hôm nay chị không về..." Em xoa đầu nó: "Sáng mai chị chở em đi học nhé!". Thằng Tí nhíu mày: "Chị làm sao đấy? Mai là chủ nhật kia mà!" Em ngớ người ra. Chủ Nhật. Phải rồi, ngày xưa cứ chủ nhật Tuấn lại đèo em ra ngoại ô thăm những cánh đồng bạt ngàn và hít thở không khí đồng quê yên ả. Phải rồi, chủ nhật hàng tuần là em hay cùng mẹ đi chợ và nấu một bữa cơm thật xịn, nói theo cách của mẹ, cả nhà quây quần. Lâu lắm rồi chẳng có chủ nhật...
Em nhấc máy gọi cho anh rủ anh đóng gói ngày chủ nhật cho gia đình. Anh đang ở trong New với bạn bè, anh gào lên trong máy, lẫn giữa tiếng nhạc vũ trường, giọng anh thật lạnh, mai anh thay sếp đi ký hợp đồng rồi.
Em hạ máy xuống và bảo với thằng Tí: "Mai cả nhà mình đi ăn hải sản, chị mời"...